Những Vấn Đề Sức Khỏe Người Cao Tuổi Thường Gặp


Càng lớn tuổi, những vấn đề về sức khỏe ngày một xuất hiện nhiều hơn. Chính điều này đòi hỏi mỗi người cần kết hợp chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để giúp kéo dài tuổi thọ và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý. Dưới đây là 5 trong số rất nhiều những vấn đề về sức khỏe người cao tuổi hiện nay. Cùng Solife tìm hiểu!
1. Các bệnh mãn tính
Theo Hội Lão khoa Quốc gia của Hoa Kỳ (National Council on Aging), có khoảng 92% người cao tuổi mắc phải ít nhất một loại bệnh mạn tính và 77% người cao tuổi mắc ít nhất hai loại bệnh khác nhau. Trong đó, điển hình nhất là bệnh tim, đột quỵ, ung thư và đái tháo đường. Bệnh lý mãn tính cũng chính là nguyên nhân gây ra 2/3 số ca tử vong ở người cao tuổi mỗi năm.
Trung tâm phòng ngừa bệnh mãn tính và nâng cao sức khỏe quốc gia (NCCDPHP) khuyến cáo người già, người cao tuổi nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Bên cạnh đó là kết hợp việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và như thói quen tập thể dục, thể thao để phòng ngừa các bệnh mạn tính.
Ngoài ra, béo phì cũng là một vấn đề đáng lưu tâm trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bởi đây là yếu tố góp phần hình thành nên nhiều căn bệnh mạn tính liên quan khác trong cơ thể người.
2. Sức khỏe tâm thần
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 15% số người trên 60 tuổi gặp phải tình trạng rối loạn tâm thần. Trong đó, rối loạn về tâm thần xảy ra phổ biến ở người cao tuổi có thể kể đến là trầm cảm – một vấn đề nhiều người nghĩ tồn tại chủ yếu ở người trẻ nhiều hơn.
Trầm cảm ở người cao tuổi gặp phải có thể là hậu quả của những căn bệnh mãn tính thường gặp. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đòi hỏi phải đồng thời quản lý tốt các bệnh lý liên quan khác.
Ngoài ra, những người lớn tuổi cũng thường gặp phải vấn đề liên quan tới khả năng nhận thức, điển hình là suy giảm trí nhớ. Thực tế, các đối tượng này thường phải đối mặt với chứng mất trí nhớ và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian. Đến một giai đoạn nhất định sẽ mất đi toàn bộ ký ức.
Người cao tuổi cần phải thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Gia đình, những người thân xung quanh cũng cần nắm chắc cẩm nang sức khỏe người cao tuổi. Để từ đó có đầy đủ hiểu biết, giúp người bệnh vượt qua được những nỗi sợ, khó khăn để trở nên lạc quan và yêu đời hơn.
3. Sức khỏe răng miệng
Mặc dù không được chú ý thường xuyên nhưng sức khỏe răng miệng là một trong những vấn đề sức khỏe người cao tuổi thường gặp nhất. Theo thống kê, có khoảng 25% người trên độ tuổi 65 bị mất răng tự nhiên (rụng răng sớm). Những vấn đề răng miệng khác có thể gặp bao gồm khô miệng, các bệnh về nướu, ung thư miệng.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chế độ ăn thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là canxi và vitamin D) hoặc vệ sinh răng miệng kém. Việc gặp phải các vấn đề về răng miệng sẽ làm cản trở quá trình ăn uống, ảnh hưởng chung tới sức khỏe người cao tuổi.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát hoặc ngăn ngừa bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt và thường xuyên đến phòng khám nha khoa để kiểm tra định kỳ.
4. Suy giảm chức năng các giác quan
Khi cơ thể già đi, các giác quan (thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác) trở nên kém hiệu quả. Đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới lối sống, sinh hoạt, cách người cao tuổi giao tiếp cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội.
Tuổi tác ảnh hưởng đến mọi giác quan trong cơ thể, tuy nhiên rõ ràng nhất là ở khả năng nghe và nhìn. Theo CDC, cứ 6 người sẽ có 1 người cao tuổi bị suy giảm thị lực và 4 người sẽ có 1 người bị suy giảm thính lực. Việc này đã đặt ra thách thức đối với các tổ chức Y tế nói chung.
Hiện nay, các vấn đề sức khỏe người cao tuổi này có thể khắc phục dễ dàng nhờ vào các thiết bị hỗ trợ như mắt kính hoặc máy trợ thính.
5. Các vấn đề về xương khớp
Một trong những vấn đề nghiêm trọng, phổ biến với sức khỏe người cao tuổi chính là xương khớp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau, nhức mỏi tay chân và xương khớp. Trong đó phải kể đến tình trạng thoái hóa sụn khớp do thiếu canxi, collagen, vitamin D,… trong cơ thể.
Các chứng đau nhức đầu xương, đau lưng, mỏi gối, mỏi dọc xương dài: như xương đùi, cánh tay, tê nhức tay chân,… chính là những dấu hiệu cảnh báo rõ rệt về các bệnh xương khớp. Người bị đau nhức xương khớp nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chính vì vậy, người cao tuổi cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin, axit béo omega-3,… để ngăn chặn sự thoái hóa sụn khớp, phòng chống loãng xương.
Trên đây là 5 trong số những vấn đề sức khỏe người cao tuổi thường gặp nhất mà Solife muốn gửi đến bạn đọc. Với những người lớn tuổi, vấn đề sức khỏe cần được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, hãy thường xuyên đưa người cao tuổi đến thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và điều trị. Ngoài ra, cũng đừng quên xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh để bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Nguồn tham khảo:
“4 vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở người cao tuổi” – thanhnien.vn, truy xuất từ
https://thanhnien.vn/4-van-de-suc-khoe-pho-bien-nhat-o-nguoi-cao-tuoi-1851047118.htm, ngày truy xuất: 2/5
“7 vấn đề sức khỏe cơ bản của người cao tuổi” – vfa.gov.vn, truy xuất từ
https://vfa.gov.vn/dinh-duong-hop-ly/7-van-de-suc-khoe-co-ban-cua-nguoi-cao-tuoi.html, ngày truy xuất: 2/5